Nói tới phụ nữ là nói tới một nửa xã hội, phát triển phụ nữ là phát triển một nửa xã hội- và hơn thế nữa đại văn hào M.Gorki từng viết :
“Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ
Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu?”
Thật vậy, nhà văn đã nói lên công lao to lớn của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Người phụ nữ không chỉ là vợ, mẹ mà họ còn có những đóng góp cho sự phát triển của xã hội trên tất cả các lĩnh vực, khẳng định được vị trí của mình trong lịch sử hàng ngàn năm, xây dựng nên truyền thống vẻ vang của dân tộc đồng thời cũng tạo nên truyền thống của chính mình. Lòng yêu nước, trí thông minh, đức hy sinh và lòng nhân ái, son sắt, thủy chung, cần cù chịu khó là những đức tính quý báu được hun đúc qua các thế hệ phụ nữ mấy nghìn năm đã thể hiện phẩm giá và nhân cách con người Việt
Phụ nữ là hương hoa của cuộc đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:“Muốn giải phóng giai cấp trước hết là giải phóng phụ nữ”. Vai trò của người phụ nữ luôn được xã hội coi trọng và ghi nhận. Tuy nhiên tùy thuộc vào mỗi giai đoạn lịch sử đã có những nhìn nhận về vai trò người phụ nữ rất khác nhau.
Trong xã hội phong kiến hình ảnh người phụ nữ được ví như “Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Người phụ nữ xưa thường bị gạt ra khỏi cuộc sống của xã hội và bị dồn vào khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con ). Trong giai đoạn tòng phụ, người con gái được học nhưng không phải để tiến thân bằng khoa cử, mà học để chuẩn bị lấy chồng. Giai đoạn tòng phu, người phụ nữ chỉ biết phục tùng, lệ thuộc vào người chồng. Khi chồng chết thì họ phải theo con. Người phụ nữ xưa không có quyền quyết định số phận của mình, suốt một đời chỉ biết phục tùng.
Từ ngàn xưa, quan niệm rằng hôn nhân của người phụ nữ là do định mệnh sắp sẵn. Họ giống như “Hạt mưa sa” mà đấng tối cao nhắm mắt tung vào trần thế, may mắn gặp được người chồng tử tế, giỏi dang, còn chẳng may bất hạnh thì gặp gả vũ phu, độc đoán “Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày” người phụ nữ vẫn cam chịu bởi đó là duyên số không thể cưỡng lại “Một duyên hai nợ âu đành phận” (Trần Tế Xương). Thậm chí, họ xinh đẹp bao nhiêu thì bạc phận truân chuyên bấy nhiêu “Hồng nhan bạc phận”. Thật là một quan niệm lạ lùng, một loại “thuốc an thần” cực mạnh để ru ngủ người phụ nữ suốt nhiều thế kỷ, để họ an phận chấp nhận một cuộc sống vợ chồng dẫu có trớ trêu, đau đớn đến tột cùng.
Không những thế, còn có luật tứ đức bao giờ người con gái cũng phải thu mình với “Công- dung- ngôn- hạnh”. Rời nhà cha mẹ, phụ nữ bước vào cuộc đời xuất giá tòng phu. Bên cạnh trách nhiệm là vợ, họ còn đảm nhiệm vai trò người con trong gia đình mới. Có thể nói, cô dâu ấy phải quán xuyến mọi chuyện bếp núc trong gia đình không được tham gia vào hoạt động xã hội và họ phải sống cảnh cam chịu. Quan niệm “Trọng nam khinh nữ” đã không nhận thấy vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Xã hội hiện nay, khi mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ được pháp lý quan tâm, xã hội lên tiếng thì vai trò của họ được khẳng định ở trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ có quyền thể hiện mình, quyền bày tỏ những cảm xúc, tâm tư tình cảm với gia đình và xã hội.
Gia đình là tế bào của xã hội, thực tế một xã hội văn minh hiện đại và phát triển bền vững phải được xây trên nề nếp kỷ cương những chuẩn mực truyền thống lành mạnh. Người phụ nữ trong gia đình đảm đang tốt vai trò người mẹ, người vợ. Phụ nữ đã xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc, với họ hạnh phúc gia đình gần như là một khao khát. Để làm được điều này, khối óc mẫn tuệ và sự nhạy cảm của con tim làm thức tỉnh mọi tình cảm, hành vi tốt đẹp, là nơi làm cho trái tim gia đình tràn đầy tình yêu và hạnh phúc. Người phụ nữ chăm sóc, giáo dục, định hướng, khích lệ chồng con làm những việc tốt đẹp cho đời. Họ giữ vai trò rất quan trọng trong việc chèo lái con thuyền gia đình đi đến bến bờ hạnh phúc.
Đối với chồng, phụ nữ là người biết quên mình để làm vợ, nói như nữ sĩ Xuân Quỳnh:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa,
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.
Đối với con, họ là người thầy đầu tiên tạo dựng cho con một nền móng, một nhân cách sống. Vai trò làm mẹ sẵn sàng xông pha, không ngại gian lao khó nhọc để trang bị cho con một tương lai. Tình yêu của mẹ như núi cao vời vợi, lòng bao dung của mẹ như đại đương sâu thẳm, đôi mắt của mẹ là những vì sao dẫn lối cho con trẻ vào đời. Mẹ là nguồn mạch quê hương, tình mẹ thương con là “thời xuân xanh của một đời, thương con chẳng nhớ đánh rơi khi nào”. Với vai trò ấy, ta dễ dàng nhận ra tầm vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh, sức khỏe và trí tuệ của phụ nữ. Những yếu tố ấy đến với họ như một cái duyên và nhờ cái duyên ấy mà người phụ nữ trở nên khéo léo, biết lo toan, tươm tất mọi bề từ cái ăn, cái mặc đến học hành, vui chơi, giải trí của mỗi thành viên trong gia đình.
Có thể nói rằng dù bất cứ thời đại nào, phụ nữ muôn đời vẫn là con người với đầy đủ thiêng chức làm mẹ, làm vợ, sinh thành và nuôi dưỡng con cái, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để người chồng có được vị trí xuất sắc trong xã hội.
Ngoài xã hội, phụ nữ không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành người có văn hóa, hoàn thiện về tri thức, có kỷ năng sống và khả năng ứng xử thông minh linh hoạt, có sức khỏe tốt để tiếp cận kịp thời kiến thức khoa học để phục vụ trong công tác.
Trong thời đại ngày nay, khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển, đòi hỏi phụ nữ phải biết sắp xếp, tổ chức thực hiện tốt trách nhiệm công dân. Họ không chỉ đóng vai trò “đối nội” mà còn có thể thực hiện trọng trách “đối ngoại”. Họ mong muốn khẳng định vị trí của mình, vì thế họ hết lòng làm tốt công việc, không những thế họ còn năng động, sáng tạo, phát triển nghề nghiệp. Người phụ nữ năng động là người hoạt động tích cực, chủ động biết chớp thời cơ, lựa chọn đường đi đúng đắn cho bản thân để thực hiện tốt công việc được giao một cách tốt nhất, luôn thể hiện là người nhanh nhẹn, tháo vát, biết suy nghĩ, say mê, tìm tòi cái mới và áp dụng hiểu biết của mình trong thực tiễn. Từ đó, họ đặt ra mục tiêu để phấn đấu vươn lên, không chấp nhận lối sống thụ động trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm, tự ti, mặc cảm, thiếu sáng tạo.
Ngoài ra, một phụ nữ có lối sống văn hóa phải là một người biết đối nhân xử thế. Trong cuộc sống, chính sự giao tiếp nhẹ nhàng, lời hay ý đẹp, đoàn kết anh em bạn bè, láng giềng đồng nghiệp với tinh thần tương thân tương ái giúp nhau cùng tiến bộ; ăn mặc lịch sự lành mạnh phù hợp với công việc hoàn cảnh môi trường sống đã đem lại cho phụ nữ một nét đẹp duyên dáng khác. Hơn nữa, họ là người biết cách tổ chức, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng thể hiện ở tư thế tác phong làm việc, giờ giấc, kỹ thuật lao động cao và duy trì được sự ổn định trong cuộc sống gia đình, biết phát huy truyền thống phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam kết hợp hài hòa giữa cái hiện đại và cái truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phụ nữ Việt
Bên cạnh đó, ta còn tìm thấy một nét đẹp ẩn chứa từ trong sâu thẳm đó là lòng nhân hậu. Đó là truyền thống của phụ nữ Việt
Phải nói rằng, khi xã hội đã có sự bình đẳng giới, một tầng lớp phụ nữ mới hình thành. Đó là những phụ nữ nhận thức rõ vai trò của mình đối với cộng đồng. Họ không ngừng nghiên cứu, trau dồi khả năng và không ít người trong số họ đã đạt đến những địa vị cao trong mọi lĩnh vực. Thực tế cho thấy cả trình độ học vấn cũng như kinh nghiệm của lực lượng lao động nữ đã bắt đầu tăng nhanh so với lao động nam. Ngay trong thành phố Quy Nhơn, chúng ta đã có nhiều chị giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy tổ chức Đảng, điều hành chính quyền và các chị đã hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ của mình. Người phụ nữ thành đạt có điều kiện chia sẽ gánh nặng trụ cột kinh tế gia đình của chồng, là nhà giáo dục có kiến thức của các con. Người phụ nữ hiện đại có tác phong, thái độ ứng xử, giao tiếp cũng như phương pháp giải quyết mọi vấn đề đầy cá tính. Họ giàu nghị lực, bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Họ năng động, tự chủ, độc lập không lệ thuộc hay ỷ lại vào người khác. Họ biết tranh thủ sự ủng hộ động viên nhiệt tình của gia đình và đồng nghiệp để biến những ước mơ, đam mê của mình thành hiện thực. Trong xã hội cũng như trong gia đình họ luôn phấn đấu cho sự bình quyền. Và vì thế phụ nữ đã và đang trở thành một nguồn nhân lực giá trị trong xã hội chẳng kém gì nam giới.
Như vậy, người phụ nữ hôm nay đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Quan niệm về người phụ nữ trong thời đại mới cũng tiến bộ hơn đã tạo điều kiện cho họ phát huy hết năng lực, trí tuệ của mình. Tháng 02/2006 hội nghị về phụ nữ do NGO (non-governmental organization – tổ chức phi Chính phủ) tại NewYork đã bàn thảo về quyền bình đẳng giới, vai trò tất yếu của phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải đã ký phê duyệt chiến lược về sự tiến bộ của người phụ nữ Việt Nam cho mười năm tới, chiến lược tập trung phản ánh các quyền của phụ nữ trong công tác, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng như vai trò chính trị và lãnh đạo của họ. Đó là điều kiện, cơ hội để phụ nữ dễ dàng cống hiến, thăng tiến, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
Nguyễn Thị Hồng Nga GV trường Quốc học Quy Nhơn
Hãy luôn khát khao, hãy luôn khờ dại