Tính đến nay tôi đã có ngót nghét 21 năm trong
nghề ở nhiều môi trường giáo dục khác nhau và cũng đã làm công tác chủ nhiệm 13
năm với 9 thế hệ học trò (trong đó có 02 thế hệ ở Trường THPT Lê Hồng Phong -
Tuy Hoà - Phú Yên; 04 thế hệ ở Trường
THPT số 2 Phù Cát và 03 thế hệ ở Trường THPT số 1 Phù Cát). Trong ngần ấy năm
trời, điều mà đọng lại trong tôi nhiều nhất, lâu bền nhất chưa phải là những
học sinh giỏi nhất mà lại là những học sinh có nhiều “tai tiếng” nhất có khi
phải trải qua nhiều thử thách của các kỳ họp Hội đồng kỷ luật nhà trường. Và
trân trọng yêu thương GVCN nhiều nhất, lâu bền nhất vẫn là những học sinh nói
trên. Tôi cũng xin được nhắc lại một vài gương mặt tiêu biểu của những học sinh
cứ lưu giữ mãi trong kí ức nghề nghiệp của mình. Có học sinh có thể nhiều thầy cô ở đây chưa được rõ như Huỳnh Tịnh
Long , học sinh lớp 11B Trường THPT Lê Hồng Phong, năm học 1988 -1989, quê ở
Hoà Mỹ -Tuy Hoà - Phú yên. Có học sinh hẳn ở đây có nhiêu thầy cô còn nhớ mặt
biết tên như Trương Minh Nam, học sinh lớp 12A1, năm học 2001 - 2002, Trường
THPT số 2 Phù Cát; Diệp Bảo Quang, học sinh lớp 12A10, năm học 2005 - 2006,
Trường THPT số 1 Phù Cát, … . Những học sinh trên, mỗi em tuy có một hoàn cảnh
khác nhau, lực học khác nhau, nhưng lại có những đặc điểm tâm lý khá giống
nhau. Nắm chắc được những đặc điểm tâm lý này, có sự tác động sư phạm khéo léo
có thể đem lại những thành công trong công tác giáo dục, giúp các em có định
hướng tốt trong việc khắc phục những khuyết điểm, dần dần hoàn thiện nhân cách
để trở thành những con người hữu ích trước khi quá muộn.
Theo sự cảm nhận, theo dõi và nắm bắt của bản
thân, tôi nhận thấy rằng ở những học sinh trên có những đặc điểm tâm lý nổi bật
sau:
Một là có vốn sống và sự già dặn hơn bạn bè
trong lớp nên đôi khi có những chủ quan, thậm chí có lúc tự đặt mình lên trên
bạn bè.
Hai là có tâm lý hiếu động và thích làm “đầu
têu” như những hiệp khách, những minh chủ trong tiểu thuyết kiếm hiệp, thích
được người khác tôn sùng, tán dương và cũng muốn chứng tỏ mình là người lớn,
người có bản lĩnh.
Ba là những học sinh này còn có một đặc điểm
đáng quý là rất hào hiệp, tốt bụng, dám đương đầu trước những khó khăn, thách
thức, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè một cách chân thành.
Bên cạnh những ưu điểm cơ bản trên, những học
sinh thuộc diện này cũng có nhiều mặt hạn chế: sống cực đoan, ngông ngạo, dễ
mắc khuyết điểm và rất ương ngạnh trong việc sửa sai khi giáo viên chủ nhiệm
hay bạn bè chưa có đủ lí do thuyết phục và có thể trở thành con người hư đốn
nếu thầy cô, bạn bè xa lánh.
Với những trường hợp ấy, tôi thấy rằng người
thầy giáo chủ nhiệm cần có nghệ thuật ứng xử khéo léo:
Trước hết cần nghe ngóng, thu gom, nắm bắt
thông tin chính xác về đối tượng, tìm hiểu, phân tích nguyên nhân, chưa nên vội
vàng quy chụp hành vi, nêu tên, kiểm điểm trước lớp vì như thế có thể sẽ gây
phản ứng ngược laị bằng sự chống chế và những thái độ bất nhã. Trên cơ sở thông
tin đầy đủ, GVCN có thể gặp riêng đối tượng để tâm sự, có thể lồng vào những
câu chuyện liên quan có tính giáo dục để gợi nhắc. Thứ nữa, GVCN có thể tìm mọi
cách giao cho đối tượng một công việc nhỏ, vừa sức, tạo điều kiện cho học sinh
hoàn thành rồi tuyên dương, hoặc tìm cơ hội đề cao đối tượng học sinh ấy trước
bạn bè. Chẳng hạn như “ thầy thấy em là người giàu kinh nghiệm, có vốn sống
phong phú hơn bạn bè, em hãy là chỗ dựa tin tưởng cho bạn bè trong lớp, phải
thật sự là người bạn, người anh của các bạn”. Tôi thấy một lời nói nhẹ
nhàng hoặc một nhận xét tương tự trong hoàn cảnh phù hợp thường có sức lay động
nhiều học sinh ương bướng, ngông ngạo.
Việc thứ hai rất quan trọng và không gì nghệ
thuật hơn đó là tình thương yêu thật sự và tấm gương đạo đức, nhân cách của
người thầy. Với những đối tượng như thế, người thầy cần có sự chủ động quan
tâm, biết tìm những hoạt động tập thể để tạo quan hệ gắn bó với bạn bè trong
lớp. Người thầy không nên ruồng rẫy, bạn bè không nên xa lánh. Một điều tuyệt
đối kiêng kỵ vì dễ dẫn đến sự tổn thương tâm lí đối với học sinh là cách nói
châm chọc, dỗi hờn, ác ý. Tôi thấy nhiều người thầy rất thương yêu học trò,
nhưng có khi chỉ vô tình trêu đùa với ngụ ý bóng gió mỉa mai thì hình như tất
cả công sức đổ ra có khi trở thành công dã tràng. Và nếu có thể, người thầy cần
có một chút hi sinh bằng tình thương thật sự. Đôi khi người thầy có thể mất đi
một chút quyền lợi riêng của bản thân để đứng ra cưu mang, giúp đỡ cho học sinh
mình trong những lúc thật cần thiết. Điều đó có khi cũng mang lại hiệu quả giáo
dục lớn.
Bằng những giải pháp trên mà học sinh vẫn không
tiến bộ thì phải có thái độ kiên quyết, dứt khoát. GVCN cần phối hợp với gia
đình và các lực lượng giáo dục tiếp tục giáo dục, xử lí bằng những nội qui, qui
định, điều lệ nhà trường. Tuy nhiên, người thầy phải làm cho học sinh nhận thấy
khuyết điểm của mình, tập thể lớp cũng thấy rõ khuyết điểm của bạn và đứng về
phía GVCN, đồng tình với hướng xử lí của GVCN. Có vậy, công tác giáo dục mới
hữu hiệu, vừa có tác dụng răn đe đối với học sinh cá biệt, vừa có sức tác động
đối với tập thể.
Trên đây là những giải pháp cơ bản mà bản thân
đã vận dụng để giáo dục một số học sinh cá biệt và đã gặt hái một số thành công.
Hiện nay, một số học sinh trong diện này tuy có em chưa thật thành đạt, song
các em đã có nhiều tiến bộ: biết nhận thức và hành động đúng, có ý chí phấn
đấu, có động cơ lập thân lập nghiệp và tôi tin tưởng rằng các em sẽ có chỗ đứng
vững vàng trong cuộc sống, bởi các em thật sự có năng lực, có niềm tin, sống
sâu sắc và luôn biết ơn những người đã giúp đỡ mình, níu kéo mình ra khỏi những
lỡ lầm trong quãng đời còn vụng dại của tuổi học trò.
Phù Cát, ngày 15 tháng 11 năm 2009
Phạm
Thành Đức - GV Trường THPT số 1 Phù Cát.
Sáng tạo những sản phẩm mới mà chỉ tập trung vào những nhóm người thật khó. Nhiều khi, người ta không biết mình thực sự muốn điều gì cho đến khi bạn đưa nó cho họ xem