"Tiết đọc báo" của cô giáo dạy văn
Cập nhật: 30/10/2009 - đọc: 3548 lần
(Tuổi trẻ) - Hai năm trở lại đây, khi dạng đề văn nghị luận xã hội được đưa vào đề thi tốt nghiệp và đại học thì 13 giáo viên tổ văn Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình, TP.HCM), trong đó có cô giáo Nguyễn Thị Đan Thanh, cũng có sáng kiến dạy thêm những “tiết đọc báo” cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Đan Thanh giới thiệu những bài báo hay do cô sưu tầm cho học sinh lớp 12A7 Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong giờ học văn - Ảnh: Như Hùng

Với những học trò nội trú, điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài khá hạn chế, thời gian học tập nhiều khiến các em ít đọc báo, xem tivi, nắm bắt thời sự. Ý tưởng về một “tiết đọc báo” của cô Nguyễn Thị Đan Thanh (giáo viên văn lớp 12) đã khiến những HS vốn không quan tâm gì đến thời sự xã hội cũng trở nên chăm chú. 2-3 tuần một lần, cô Thanh thu thập tư liệu trên báo chí về một chủ đề nghị luận xã hội rồi đưa ra bàn bạc tại lớp học.

Bài báo về những tấm gương

Những bạn có giọng đọc diễn cảm sẽ thể hiện lại bài báo, các bạn khác tìm ra cốt lõi vấn đề để thảo luận, liên hệ về quan điểm sống của bản thân. Đọc những bài báo viết về những tấm gương vượt khó học giỏi, tật nguyền vẫn quyết không bỏ tâm nguyện nuôi con chữ, nhiều bạn HS lớp 12 rưng rưng, phải nhờ bạn khác đọc thay. Đó còn là câu chuyện về những nghề khốn khó, những mảnh đời bất hạnh, tấm gương về sự sẻ chia, đồng cảm hay một quan điểm sống đẹp.

Những đề văn kích thích học trò như “Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?” hay “Em hiểu thế nào là bệnh thành tích trong giáo dục?”, “Em nghĩ gì về xu hướng nhiều học sinh thích đi du học và làm việc ở nước ngoài?”... ngay sau giờ đọc báo đã “mồi” cho những cô, cậu bé mới lớn thử động não suy nghĩ và phát biểu quan điểm về cuộc sống xung quanh.

Em Vũ Hoàng Hiệp, lớp 12C1, bày tỏ: “Dù em và khá nhiều bạn ở trường này chọn thi khối tự nhiên, nhưng những giờ văn thật sự đã dạy chúng em cách sống, cách nhìn nhận một sự việc, hiện tượng với nhiều mặt. Mặt khác, những kiến thức xã hội mà các thầy cô cung cấp qua những giờ văn giúp chúng em có được nhiều kiến thức hơn và không còn bỡ ngỡ khi giải quyết những vấn đề của bản thân hay gia đình”.

Giáo án cuộc sống

Tôi rất vui khi những bài văn nghị luận xã hội gần đây của học trò mình ngày càng phong phú dẫn chứng, những suy nghĩ của các em về cuộc sống, ước mơ, lý tưởng; những chia sẻ của các em với những hiện tượng xã hội đang diễn ra... dường như giàu suy tư và có chiều sâu hơn trước đây rất nhiều. Những câu chuyện từ cuộc sống được phản ánh qua báo chí cần cho học trò tôi biết bao...

Cô NGUYỄN THỊ ĐAN THANH

Cô Nguyễn Thị Đan Thanh tâm sự: “HS hiện nay rất nhạy cảm với các vấn đề xã hội nhưng cũng rất dễ nhìn lệch, nhất là về những mảng tiêu cực xã hội. Môn học này cố gắng định hướng cho HS thái độ sống, cách nhìn nhận hai mặt của một vấn đề. Ví dụ như vụ thầy giáo bị sinh viên tạt axit, mình phải rào trước về những tấm gương, câu chuyện tôn sư trọng đạo cảm động xưa nay để HS nắm được hai mặt của một vấn đề và không nghĩ lệch. Ở đề bài “Sống đẹp”, nhiều em chỉ nêu dẫn chứng chung chung về những tấm gương lớn như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lênin, nhưng sau những tiết đọc báo, các em có thêm những câu chuyện hay về bạn trẻ sống đẹp hiện nay. Sau tiết học, nhiều em đã cởi mở hơn và có thái độ sống tích cực hơn”.

Em Lê Thị Huyền Trang, HS lớp 12, chia sẻ: “Nhiều đề văn giúp em hiểu thêm phải sống sao cho đúng đắn, hiểu đúng về quan niệm tiền tài, hạnh phúc hay cách vượt qua những khó khăn. Ban đầu em rất ngạc nhiên khi cô giáo đưa đề văn là “Một quả táo đã bị cắn mất một miếng” và cho tụi em tự do sáng tạo. Em đã chọn viết về đề tài “Cuộc sống không hoàn hảo”.

Theo cô Lê Thị Ngọc Oanh, tổ trưởng tổ văn, đây là đề thi HS giỏi môn văn tại Trung Quốc. Cô Oanh cho biết: “HS rất hứng thú với những đề văn hay, có tính gợi mở, kích thích sáng tạo nên giáo viên trong trường thường xuyên lên mạng, tham khảo tài liệu, chọn ra những đề văn hay mà vẫn đảm bảo yêu cầu rèn kỹ năng nghị luận xã hội cho các em”.

Tại Trường Nguyễn Khuyến, những buổi họp của giáo viên tổ văn diễn ra thường xuyên. Các giáo viên chia sẻ những đề văn hay, kinh nghiệm về một vấn đề trong giảng dạy nhằm làm các tiết học phong phú, sôi động hơn. “Tiết đọc sách” được nhà trường đưa vào thời khóa biểu, tổ chức tại lớp hoặc thư viện hằng tuần, giúp HS tìm tư liệu, dẫn chứng về các vấn đề xã hội.

Những giờ nghị luận xã hội còn giúp HS lớp 12 có được định hướng nghề nghiệp. Với đề văn: “Khi chuẩn bị hồ sơ thi đại học, Nam hỏi Sinh “bạn chọn nghề gì?”. Sinh nói “chọn nghề nào làm ra nhiều tiền, còn bạn?”. Nam trả lời “mình sẽ chọn nghề hợp với sở thích của mình”. Anh, chị hãy viết một bài nghị luận ngắn trao đổi cùng hai bạn về quan điểm chọn nghề của mình”, những HS cuối cấp đã tranh thủ nhờ cô giáo làm tư vấn viên cho lựa chọn nghề nghiệp của mình. Nhiều bạn còn do dự thì được cô giáo và các bạn khác góp ý, bàn bạc để có quyết định tốt nhất.

Cô Oanh cho biết: “Đáng mừng nhất là sau các tiết học, HS đã cởi mở hơn khi trao đổi với giáo viên về quan điểm sống, định hướng nghề nghiệp hay những gì mà các em thắc mắc về tình cảm, bản thân. Những sân chơi văn học với các chủ đề được tổ chức thường xuyên ngay trong lớp học để HS thích thú với bài giảng hơn. Chúng tôi cho HS tập sáng tác những bài thơ ngắn, truyện ngắn để truyền cho các em cảm hứng học văn và cảm thấy yêu môn văn hơn”.

LƯU TRANG

Các tin khác của Nghiên cứu - Học tập :
Mỗi ngày một cuốn sách
Cách quản lý thời gian
Danh ngôn

Người thành công là người có thể xây được nền tảng vững chắc từ những viên gạch kẻ khác ném vào anh ta

David Brinkley
Văn bản mới
Liên kết - Thống kê
Số máy truy cập: 
Số người trực tuyến: