(BĐO) “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm nay trồng người”, nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Báo Bình Định có dịp trao đổi với ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT về những “quả ngọt” của giáo dục Bình Định trong thời gian qua.
Trong nhiều năm qua tỉnh ta rất quan tâm đến giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục miền núi; không chỉ về nhân lực mà cơ sở vật chất cũng được đầu tư rất mạnh mẽ. Xin ông cho biết kết quả cụ thể của sự quan tâm, đầu tư này.
Với sự quan tâm đặc biệt
của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể, sự chỉ đạo ưu tiên triển khai các
chính sách có liên quan đến giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(DTTS) nên giáo dục nơi đây đã có những chuyển biến rất tích cực. Cụ thể, mạng
lưới trường lớp được phát triển; cơ sở vật chất được tăng cường, trường lớp
được xây dựng khá khang trang sạch đẹp; trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa,
tài liệu được trang bị tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Đặc biệt, năm 2016, Sở
tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện
các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giáo dục đối với đồng bào
DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Sau đó, tham mưu
UBND tỉnh ban hành quyết định Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non,
học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”.
Bên cạnh đó, hằng năm,
Sở GD&ĐT đều tổ chức tập huấn cho giáo viên tiếp cận với những kiến thức
mới về phương pháp dạy học, vận dụng đổi mới phương pháp giảng dạy một cách
sáng tạo, thiết thực, phù hợp giữa quy định đổi mới phương pháp dạy học và thực
tiễn trình độ tiếp thu kiến thức mới của học sinh DTTS. Đồng thời, công tác
giáo dục đặc thù như: Văn hóa dân tộc, TDTT, kỹ năng sống trong trường phổ
thông dân tộc nội trú (PTDTNT) đã được triển khai từ nhiều năm học nhằm giáo
dục, bổ sung cho học sinh những kiến thức, kỹ năng giữ gìn bản sắc văn hóa dân
tộc; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khi phải xa gia đình...
Trường THPT chuyên Chu Văn An (TX Hoài Nhơn) là nơi đào tạo học sinh giỏi cho các địa phương phía Bắc tỉnh. Tuy thành lập chưa lâu nhưng Trường đã đạt nhiều thành tích vượt bật trong dạy và học.
- Trong ảnh: Lớp chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Chu Văn An trong giờ học.
Nói như vậy để thấy sự
quan tâm của tỉnh, ngành đến với giáo dục DTTS, giáo dục miền núi. Qua đó chất
lượng giáo dục của các trường PTDTNT có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học
sinh bỏ học giảm. Số học sinh tốt nghiệp THPT của các trường PTDTNT được đào
tạo ổn định qua từng năm học. Khoảng cách chênh lệch giữa giáo dục miền núi với
đồng bằng được thu hẹp. Đặc biệt, Trường PTDTNT THPT Bình Định đã được UBND
tỉnh công nhận là Trường THPT đạt chuẩn quốc gia, được Chính phủ tặng Cờ thi
đua.
Thời gian
qua, thành tích của học sinh Bình Định, đặc biệt là tại các kỳ thi được nâng
cao lên thấy rõ, những yếu tố nào giúp có được những kết quả đáng mừng như vậy,
thưa ông.
Trong 5 năm học vừa qua,
thành tích của học sinh Bình Định được duy trì và có bước phát triển ở một số
mặt. Nổi bật là ở 2 tiêu chí: Kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả thi chọn
học sinh giỏi quốc gia cấp THPT. Cụ thể, kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm học
2019 - 2020 đạt 98,5%, cao hơn so với năm học 2015-2016 (95,0%). Kết quả thi
chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm học 2019 - 2020 có 36 học sinh đạt
giải cao hơn so với năm học 2015-2016 (19 học sinh đạt giải).
Để có được điều này,
ngoài việc tích cực chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các
văn bản chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT
còn triển khai kịp thời, hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp cơ bản để
triển khai thực hiện nhiệm vụ các năm học. Trong đó tập trung vào công tác xây
dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất
trường học, thực hiện đổi mới phương thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng
phát huy năng lực của người học, duy trì vững chắc thành quả phổ cập giáo dục,
từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt, Sở chú trọng đổi
mới cơ chế quản lý chuyên môn ở nhà trường phổ thông, tiếp tục giao quyền chủ
động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng
phát triển năng lực học sinh.
Trên cơ sở chuẩn kiến
thức, kỹ năng và thái độ trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, các
trường thành lập Ban chỉ đạo và tổ chức cho giáo viên rà sót nội dung chương
trình, sách giáo khoa, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản; xây
dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp
với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; chú
trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường các
hoạt động giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề
thực tiễn.
Thưa ông,
thời gian tới, tỉnh cũng như Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để
giáo dục của tỉnh ngày càng phát triển.
Nghị quyết Đại hội Đảng
bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục tỉnh
giai đoạn 2021 - 2026 là tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng
cao chất lượng dạy và học với nhiều nhiệm vụ. Để thực hiện tốt những gì đã đề
ra, thời gian tới, Sở vừa tập trung triển khai thực hiện Chương trình giáo dục
phổ thông 2018 theo lộ trình, vừa nâng cao chất lượng dạy học theo chương trình
hiện hành; đồng thời thường xuyên đầu tư 3 nhóm công việc, gồm: Công tác xây
dựng đội ngũ; cơ sở vật chất; đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra,
thi và đánh giá kết quả GD&ĐT. Theo đó, với nhận thức coi đội ngũ nhà giáo
và cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, Sở tập
trung xây dựng đội ngũ này đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu
triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sở tiếp tục chỉ đạo các
địa phương rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, điểm trường, giảm thiểu số
lượng điểm trường lẻ để đầu tư tập trung, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật
chất, trang thiết bị dạy học, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ ngày. Xây dựng kế
hoạch tổng thể và từng năm thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương
trình mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.
Bên cạnh đó, các phòng
GD&ĐT, các trường THPT cũng thực hiện đổi mới hình thức tổ chức dạy học,
chú trọng giúp học sinh phương pháp tự học, chú ý các hoạt động trải nghiệm
sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Qua đó học sinh bắt đầu xác định
được năng lực, sở trường, chuẩn bị một số năng lực cơ bản cho người lao động
tương lai và được tư vấn để lựa chọn và định hướng nghề nghiệp…
Xin cảm ơn
ông!
THẢO KHUY (Thực hiện)
Hãy cho đi nhiều hơn nhận lại