Nếu như các phương pháp dạy học truyền thống chú trọng làm giàu kiến thức cho học sinh, thì phương pháp mới chú trọng việc dạy làm sao để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Học sinh là người chủ động, tìm tòi khám phá nội dung của mỗi chủ đề bài giảng, chứ không ỷ lại, trông chờ thầy cô truyền đạt kiến thức. Việc dạy và học theo dự án hướng tích hợp khoa học tự nhiên tuy đặt ra nhiều thách thức đối với cả giáo viên và học sinh, nhưng phương pháp này đã tạo được hứng thú học tập cho các em.
Em Lê Minh Kha, cựu học sinh Trường THCS Đập Đá (TX An Nhơn), chia sẻ: “Em được làm quen phương pháp mới này vào năm lớp 8 và lớp 9. Nó khá thú vị. Chúng em có thể phát huy năng lực sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu. Em mong muốn phương pháp này có thể triển khai cho cả học sinh THPT ”.
Ông Trương Lê Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Đập Đá (TX An Nhơn), cho biết: “Nhìn chung, phương pháp dạy học này rất thiết thực. Được làm quen với phương pháp dạy học tích hợp 2 năm, chúng tôi có thêm điều kiện làm quen với chương trình mới. Điểm nổi trội ở đây là học sinh được tham gia xây dựng bài giảng nên học sinh rất hưng phấn, vì vậy giáo viên phải chịu khó đầu tư, cập nhật cái mới và năng động chứ cứ giữ thói quen cũ thì không thể dạy được”.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Lê Thị Điển nhận xét đề tài nghiên cứu này phù hợp với định hướng giáo dục của tỉnh trong thời gian tới. Bà cho biết Sở sẽ nghiên cứu triển khai đề tài đến các trường THCS trên toàn tỉnh và xem xét những khía cạnh ưu việt để đưa vào áp dụng tại các trường THPT trong tỉnh.
ÐỖ THẢO - HỒNG HÀ
Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học