Đề tài: Lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp trong dạy học Ngữ văn ở trường THPT
Cập nhật: 17/05/2015 - đọc: 11563 lần
Tác giả: Phạm Thị Ninh Thủy, giáo viên trường THPT Hùng Vương
I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Những con người trong xã hội hiện đại không phải chỉ cần có kiến thức, mà còn cần phải có kĩ năng mềm để giao tiếp, ứng xử, thể hiện mình, có bản lĩnh... để đối diện vươn lên trong cuộc sống. Thông qua các giờ dạy, giáo viên văn đã truyền được cho các em những bài học này.

Trên thực tế, việc quá chú trọng vào chuyên môn học tập của mình khiến tính năng động của học sinh trong môi trường giao tiếp còn yếu, rất nhiều các bạn trẻ không biết cách bắt đầu một câu chuyện dù là đơn giản nhất, không biết ứng xử và thể hiện thế mạnh của mình khi đứng trước nhà tuyển dụng...
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc tích hợp giáo dục kĩ năng sống và giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp trong bộ môn mà mình giảng dạy, môn Ngữ văn, chúng tôi mạnh dạn nêu lên một số phương pháp lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp trong dạy học Ngữ văn ở Trường THPT

II. MÔ TẢ GIẢI PHÁP CŨ

Lồng ghép giáo dục kĩ năng sống nói chung và kĩ năng sống về giao tiếp nói riêng đã trở thành chủ trương của Ngành giáo dục nước ta từ năm 2010 và yêu cầu giáo viên vận dụng sáng tạo và linh hoạt trong quá trình dạy học với những hướng dẫn cụ thể trên cả hai phương diện nội dung và phương pháp.

Nhưng trên thực tiễn giảng dạy cho thấy, không phải giáo viên nào cũng có ý thức chú trọng đến nội dung này hay lựa chọn được phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm lồng ghép một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả các nội dung giáo dục kĩ năng sống, đặc biệt là kĩ năng sống về giao tiếp vào trong tiết dạy. Có những tiết dạy được giáo viên lồng ghép một cách cứng nhắc, chưa phù hợp với nội dung bài dạy, thể hiện chưa đúng lúc đúng chỗ làm cho học sinh tiếp thu bài học một cách nặng nề, khó khăn.

III. MÔ TẢ GIẢI PHÁP MỚI

1. Nội dung giải pháp mới

1.1. Lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp phải bắt đầu từ việc xác định mục tiêu cần đạt của bài học.

Muốn lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp trong bài dạy có hiệu quả cần phải có định hướng tốt bắt đầu từ khâu xác định mục tiêu cần đạt của bài dạy, nghĩa là trong quá trình thiết kế giáo án giảng dạy, ở phần mục tiêu cần đạt về mặt kĩ năng cần nêu chi tiết những kĩ năng sống về giao tiếp gắn với những kĩ năng cụ thể của bài dạy đó.

1.2. Lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp thông qua việc xác định phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực có thể sử dụng gắn với những kĩ năng giao tiếp cụ thể.

Xác định mục tiêu giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp trong mục tiêu cần đạt của bài học sẽ không có ý nghĩa và hiệu quả nếu không gắn với việc xác định các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực. Bởi vậy, trong phần định hướng bài dạy, cần xác định và bổ sung thêm phần Các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực có thể sử dụng.

1.3. Lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp trong tiến trình dạy học

- Lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp thông qua cách giới thiệu bài mới

Bằng nhiều hình thức khác nhau, giáo viên có thể áp dụng để lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp qua khâu giới thiệu bài mới như: Sử dụng câu hỏi phát vấn hoặc câu hỏi trắc nghiệm, cho học sinh viết cảm nhận ra giấy về một chi tiết trong bài mới, dẫn dắt từ thực tiễn cuộc sống vào kiến thức bài dạy, tạo tình huống giao tiếp cho học sinh...Điều quan trọng ở khâu này là giáo viên phải linh hoạt tiếp nhận ý kiến và những biểu hiện phản hồi của học sinh để trên cơ sở đó dẫn dắt, giới thiệu bài mới vừa ấn tượng, vừa có tác dụng giáo dục kĩ năng sống.

- Lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp thông qua các chi tiết, hình ảnh, nội dung bài giảng.

+Phân môn giảng văn

Mỗi chi tiết trong tác phẩm tự sự, mỗi từ ngữ, hình ảnh trong tác phẩm trữ tình và nội dung nói chung của các tác phẩm văn học đều chứa đựng những giá trị thẩm mĩ và tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc một thông điệp nào đó. Tùy vào thời gian, vào kinh nghiệm của giáo viên, tùy vào đối tượng học sinh, giáo viên có thể khai thác ở các khía cạnh khác nhau để rèn luyện kĩ năng sống cho các em , đặc biệt là kĩ năng giao tiếp, ứng xử.

+Phân môn Tiếng Việt

Trong các giờ dạy Tiếng Việt, ngoài việc cung cấp những kiến thức cơ bản theo mục tiêu cần đạt, giáo viên văn cần cung cấp cho học sinh những kĩ năng sử dụng từ ngữ đúng ngữ cảnh để chuyển tải đúng, rõ ràng những thông điệp của bạn trong giao tiếp, kĩ năng tạo câu, tạo lập văn bản và cả chiến thuật để giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống đời thường cũng như trong công việc bằng nhiều hình thức tăng vốn từ vựng, luyện nói, luyện viết, tạo tình huống giao tiếp ...

+Phân môn Làm văn

Giáo viên có thể lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp trong phân môn làm văn qua các giờ dạy về lí thuyết và thưc hành về các kiểu bài nghị luận: nghị luận xã hội và nghị luận văn học, qua việc ra đề kiểm tra và lời nhận xét của giáo viên.

2. Tính mới của giải pháp

Với tính chất là một môn học công cụ, môn Ngữ văn giúp học sinh có năng lực ngôn ngữ để học tập, khả năng giao tiếp, nhận thức về xã hội và con người. Với tính chất là môn học giáo dục thẩm mĩ, môn Ngữ văn giúp học sinh bồi dưỡng năng lực tư duy, làm giàu xúc cảm thẩm mĩ và định hướng thị hiếu lành mạnh để hoàn thiện nhân cách. Vì thế, Ngữ văn là môn học có những khả năng đặc biệt trong việc giáo dục các kĩ năng sống cho học sinh, nhất là giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp.

Mục đích của dạy văn chính là dạy người, dạy cách làm người hay đó chính là kĩ năng sống. Với chúng tôi, chúng tôi đã áp dụng phương pháp lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp vào từng tiết dạy với nhiều hình thức khác nhau để tích cực hóa phương pháp dạy học, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của học sinh, tạo hứng thú cho học sinh và nâng cao kết quả dạy học bộ môn.

3. Khả năng áp dụng

Với các phương pháp lồng ghép giáo dục kĩ năng sống như đã đề xuất trên đây, người giáo viên có thể áp dụng ở cả ba phân môn : Giảng văn, tiếng Việt, Làm văn và áp dụng cho hầu hết các bài dạy theo phân phối chương trình. Mặt khác, trong tiến trình tiết dạy, giáo viên có thể lồng ghép giáo dục kĩ năng giao tiếp ở tất cả các các khâu, các hoạt động. Hơn nữa những phương pháp này rất đơn giản mà bất kì người giáo viên nào cũng có thể vận dụng trong thực tiễn giảng dạy của mình.

4. Hiệu quả

Biện pháp này đã được chúng tôi thực hiện thường xuyên trong các lớp dạy của mình và có hiệu quả giáo dục khá tốt, tích cực hóa vai trò của học sinh trong giờ dạy.

Chất lượng giảng dạy ở các lớp có ứng dụng lồng ghép giáo dục kĩ năng sống về giao tiếp được tăng lên:

63/89 học sinh cảm thấy thích học môn văn hơn.

74/89 học sinh hiểu được kĩ năng sống là gì và thấy được tầm quan trọng của kĩ năng giao tiếp.

87/89 học sinh có học lực từ trung bình trở lên.

89/89 học sinh xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên, không có học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu.

Có nhiều học sinh trở nên năng động, mạnh dạn hơn trong các hoạt động đoàn thể và trong hoạt động giao tiếp.


Xem chi tiết đề tài
Các tin khác của Sáng kiến kinh nghiệm :
Mỗi ngày một cuốn sách
Kiên tâm Chìa khóa thành công
Danh ngôn

Hãy cho đi nhiều hơn nhận lại

Bill Gates
Văn bản mới
Liên kết - Thống kê
Số máy truy cập: 
Số người trực tuyến: