Tên đề tài: Xây dựng Hệ thống bài tập Danh pháp và Hóa lập thể của hidrocacbon vòng no dùng bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia, môn Hóa học
Cập nhật: 07/05/2014 - đọc: 6860 lần
Tác giả: Lê Ngọc Vịnh
I. Đặt vấn đề
Hiện nay tài liệu giảng dạy và học tập các chuyên đề chuyên sâu Hóa Hữu cơ không nhiều nên giáo viên và học sinh rất khó khăn và mất nhiều thời gian trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG). Để đạt kết quả cao trong kỳ thi HSG cấp Quốc gia, đòi hỏi phải các em phải có kĩ năng giải bài tập Hóa hữu cơ, một trong những mảng bài tập này là Danh pháp và Hóa lập thể của Hidrocacbon vòng no. Đây là mảng kiến thức trọng tâm, cũng là cơ sở để nghiên cứu những nội dung khác. Chính vì vậy, tôi chọn đề tài “Xây dựng hệ thống bài tập Danh pháp và Hóa lập thể của Hidrocacbon vòng no dùng bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia, môn Hóa học”.
II. Mô tả giải pháp cũ
1. Nội dung bồi dưỡng
Dựa vào tài liệu giáo khoa chuyên Hóa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thể hiện một số nhược điểm như: Nội dung không chuyên sâu, bài tập không nhiều và không có lời giải, nằm rải rác ở các bài học, chưa tập trung thành một mảng kiến thức nên giáo viên và học sinh mất nhiều thời gian để nghiên cứu, luyện tập.
2. Phương pháp bồi dưỡng
Dạy lồng ghép nội dung bài tập Danh pháp và Hóa lập thể của hidrocacbon vòng no vào những mảng kiến thức khác. Ví dụ: Khi dạy cơ chế phản ứng hóa hữu cơ của Gluxít có liên quan đến Hóa lập thể. Một số nhược điểm là: Không hệ thống hóa được kiến thức, chưa định hướng và phát triển khả năng tự học của học sinh.
3. Đội ngũ giáo viên bồi dưỡng
Số lượng giáo viên bồi dưỡng HSG dự thi cấp Quốc gia rất ít và năng lực dạy chuyên sâu còn hạn chế nên bộc lộ những nhược điểm như: Rất thiếu giáo viên bồi dưỡng; mời thêm Giáo sư, Tiến sĩ thỉnh giảng.
III. Mô tả giải pháp, sáng kiến
1. Nội dung giải pháp mới
Giải pháp 1: Xây dựng nội dung bồi dưỡng, cụ thể: Xây dựng hệ thống bài tập về Danh pháp và Hóa lập thể Hidrocacbon vòng no.
Giải pháp 2: Thay đổi phương pháp bồi dưỡng
Giải pháp 3: Nâng cao năng lực bồi dưỡng HSG cho đội ngũ giáo viên
2. Thuyết minh tính mới của giải pháp
Giải pháp 1: Xây dựng nội dung bồi dưỡng. Tính mới:
a. Hệ thống bài tập chuyên sâu gồm 3 phần
Phần 1: Tóm tắt cơ sở lý thuyết
- Các khái niệm về: Xicloankan đơn vòng, đa vòng; Hóa lập thể bao gồm: Đồng phân hình học; Đồng phân quang học và Cấu dạng
- Danh pháp của Xicloankan đơn và đa vòng
Phần 2: Bài tập cơ bản:
- Bài tập về Danh pháp Hidrocacbon vòng no
- Hóa lập thể của Hidrocacbon vòng no gồm: Đồng phân hình học, đồng phân quang học và Cấu dạng
Phần 3: Bài tập nâng cao và tổng hợp
b. Hệ thống bài tập từ cơ bản đến nâng cao đều có hướng dẫn giải.
Giải pháp 2: Thay đổi phương pháp bồi dưỡng. Tính mới:
- Dựa vào kiến thức của học sinh
Khảo sát kiến thức của học sinh để có cách tổ chức dạy học, phương án hỗ trợ học sinh hợp lý. Giáo viên bồi dưỡng tất cả hay chỉ một phần bài tập nâng cao.
- Định hướng và phát triển năng lực tự học của của học sinh.
Hệ thống bài tập có lời giải từ cơ bản đến nâng cao và tổng hợp giúp HS định hướng và phát triển khả năng tự học, tự luyện tập.
Giải pháp 3: Nâng cao năng lực bồi dưỡng HSG cho đội ngũ giáo viên. Tính mới:
- Nâng cao năng lực dạy chuyên sâu cho giáo viên bồi dưỡng
Nghiên cứu các đề thi HSG Quốc gia hằng năm để xác định các nội dung cần dạy chuyên sâu và phân công giáo viên đảm trách.
- Giảm dần nội dung mời các Giáo sư, Tiến sĩ thỉnh giảng.
Sau khi được phân công dạy chuyên sâu nhiều năm liền, giáo viên sẽ phát triển nội dung đó thành chuyên đề chuyên sâu để dạy, thay dần việc mời các Giáo sư, Tiến sĩ thỉnh giảng.
3. Khả năng áp dụng
- Áp dụng trong phạm vi dạy đội tuyển HSG dự thi cấp Quốc gia.
- Áp dụng rộng rãi trong phạm vi bồi dưỡng HSG dự thi cấp tỉnh, môn Hóa học.
Cơ sở khoa học:
+ Trong chương trình Hóa Hữu cơ lớp 11, 12 THPT có nội dung Danh pháp và Hóa lập thể của một số xicloankan, tuy nhiên phần bài tập để học sinh rèn luyện thì gần như không có.
+ Trong một số đề thi HSG cấp tỉnh môn Hóa THPT có bài tập ở nội dung này.
4. Hiệu quả
4.1. Góp phần vào thành tích HSG Quốc gia, môn Hóa học
Bình Định được Bộ GD&ĐT cho 8 học sinh dự thi môn Hóa (thông thường 6 học sinh/1môn/1 đơn vị). Kết quả HSG Quốc Gia môn Hóa của Bình Định trong những năm gần đây xếp cao nhất khu vực thi đua vùng IV do Bộ GD&ĐT quy định:
Năm học
Số giải
2011-2012
05
2012-2013
07
4.2. Góp phần phát triển năng lực bồi dưỡng HSG cho giáo viên
Nghiên cứu hệ thống bài tập chuyên sâu, năng lực của giáo viên cũng phát triển. Giáo viên dần tự bồi dưỡng nội dung này thay trước đây phải mời thêm Giáo sư, Tiến sĩ thỉnh giảng.
4.3. Giúp học sinh nâng cao năng lực tự học
Hệ thống bài tập từ dễ đến khó đều có lời giải giúp học sinh tự học có hiệu quả.
4.4. Tiết kiệm thời gian cho giáo viên và học sinh
Giáo viên và học sinh không mất thời gian để tìm, dịch tài liệu, đọc hiểu bài tập vì thường bài tập không có lời giải.
4.5. Kết hợp việc bồi dưỡng HSG các cấp
Học sinh dự thi HSG cấp tỉnh chỉ bồi dưỡng những bài tập cơ bản, còn HSG dự thi cấp Quốc gia thì bồi dưỡng bài tập nâng cao, điều này sẽ góp phần làm cho phong trào bồi dưỡng HSG môn Hóa ngày càng phát triển và nâng cao hiệu quả bồi dưỡng HSG thi cấp Quốc gia./.