Xây dựng và sử dụng bài tập có nhiều cách giải trong dạy học môn hóa học ở trường phổ thông.
Cập nhật: 11/05/2013 - đọc: 7401 lần
Tác giả: Phan Văn Hà- GV trường THPT Tăng Bạt Hổ.
TÓM TẮT NỘI DUNG GIẢI PHÁP LAO ĐỘNG SÁNG TẠO
Tên đề tài: Xây dựng và sử dụng bài tập có nhiều cách giải trong dạy học môn hóa học ở trường phổ thông.
Tác giả: Phan Văn Hà - Gv trường THPT Tăng Bạt Hổ.
I. Mục đích đề tài
- Đề tài đưa ra các tiếp cận mới trong giải bài tập hóa học nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, hoàn thiện kỹ năng; góp phần rèn luyện và phát triển tư duy, trí thông minh của học sinh.
- Xây dựng các phương pháp dạy học tích cực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở trường phổ thông.
II. Bản chất của giải pháp
1. Thực trạng
Trong thực tế, việc sử dụng bài tập Hóa học để bồi dưỡng năng lực tự học và phát triển tư duy cho học sinh còn nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, quá trình tổ chức thiết kế, xây dựng các loại bài tập Hóa học, nhất là bài tập có nhiều cách giải trong tổ chuyên môn không được thường xuyên và không mang tính cập nhật.
2. Tính mới của giải pháp
Xây dựng nhiều cách giải khác nhau cho một bài tập hóa học; giới thiệu một số bài tập có nhiều cách giải có thể được sử dụng trong quá trình dạy học và phương pháp sử dụng bài tập này trong dạy học Hóa học.
III. Nội dung giải pháp
1. Giải pháp
a) Giải pháp 1: Xây dựng các cách giải khác nhau của một bài toán hóa học. Chúng tôi đã đưa ra ví dụ cụ thể về 3 bài toán vô cơ và 3 bài toán hữu cơ. Trong mỗi bài toán chúng tôi xây dựng ít nhất 4 cách giải.
Ví dụ bài toán “Thủy phân m gam tetrapeptit Ala-Ala-Ala-Ala mạch hở thu được 28,48 gam Ala; 32,00 gam Ala-Ala và 27,72 gam Ala-Ala-Ala. Tính m?” chúng tôi đã đưa ra 9 cách giải. Đó là:
Cách 1: Dùng phương pháp bảo toàn nguyên tố- chọn nguyên tố đại diện là N;
Cách 2: Bảo toàn số nhóm peptit (CO-NH);
Cách 3: Qui đổi sản phẩm về một chất đơn giản - qui đổi về alanin;
Cách 4: Đặt ẩn số, giải hệ phương trình;
Cách 5: Dùng phương pháp trung bình;
Cách 6: Phân tích hệ số mol sản phẩm;
Cách 7: Tính số mol tetrapeptit trực tiếp (theo bảo toàn gốc ala);
Cách 8: Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng;
Cách 9: Giải theo tỉ lệ mol sản phẩm.
b) Giải pháp 2: Giới thiệu một số bài toán vô cơ và hữu cơ có nhiều cách giải để giáo viên sử dụng vào quá trình dạy học ở các khối lớp 10,11 và 12. Chúng tôi đã đưa ra 50 bài toán vô cơ, 50 bài toán hữu cơ gồm các dạng bài tập cơ bản, trọng tâm, thường gặp bao quát cả chương trình phổ thông và có đáp số của từng bài toán. Trong đó:
+ Ở khối lớp 10 có 18 bài tập hóa vô cơ;
+ Ở khối lớp 11 có 10 bài tập hóa vô cơ và 29 bài tập hóa hữu cơ;
+ Ở khối lớp 12 có 22 bài tập hóa vô cơ và 21 bài tập hóa hữu cơ.
c) Giải pháp 3: Phương pháp sử dụng các bài tập có nhiều cách giải trong dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh.
+ Sử dụng Bài tập Hóa học có nhiều cách giải trong các tiết luyện tập, ôn tập cuối chương. Giáo viên cho đề bài tập, từ 2 đến 5 bài có nội dung kiến thức liên quan đến tiết luyện tập, ôn tập. Chia nhóm học sinh: một lớp học chia thành 4 nhóm, trong đó có sự cân đối đều giữa các nhóm về số lượng học sinh giỏi, khá, trung bình và yếu- chọn một học sinh giỏi có khả năng tổ chức hoạt động nhóm tốt làm nhóm trưởng; phân công công việc về nhà cho từng nhóm: giao mỗi nhóm 1 bài tập, yêu cầu nhóm thảo luận và đưa ra các cách giải khác nhau- ít nhất là 3 cách giải; tổ chức cho học sinh trình bày trên lớp, nhận xét và đánh giá điểm.
+ Sử dụng Bài tập Hóa học có nhiều cách giải trong việc kiểm tra và đánh giá. Có thể sử dụng loại bài tập này trong việc kiểm tra miệng và kiểm tra viết một tiết. Khi kiểm tra miệng, giáo viên yêu cầu học sinh giải một bài tập nào đó, sau khi hoàn thành giáo viên có thể đặt thêm câu hỏi: Bài này còn có cách giải nào khác không? Qua đó giúp giáo viên đánh giá được mức độ nắm vững kiến thức và khả năng tư duy của học sinh, tránh tình trạng đánh giá sai lệch do học sinh học thuộc một bài giải rồi lên bảng chép lại một cách máy móc. Đối với bài kiểm tra viết một tiết, giáo viên có thể yêu câu học sinh trình bày việc giải bài toán ít nhất 2 cách khác nhau.
+ Sử dụng Bài tập Hóa học có nhiều cách giải trong việc dạy học các tiết tự chọn.Trong các tiết tự chọn, giáo viên có thể tổ chức dạy học bằng cách sử dụng bài tập có nhiều cách giải dưới dạng tổ chức một trò chơi hoặc một cuộc thi.
2. Khả năng áp dụng
-Việc sử dụng bài tập có nhiều cách giải trong tiết dạy và các hoạt động khác làm cho học sinh học tập tích cực hơn, không khí lớp học sôi nổi, kết quả các bài kiểm tra đạt chất lượng cao hơn.
- Hóa học là một trong những môn khoa học tự nhiên nên việc sử dụng và giải bài tập trở thành công việc thường xuyên của giáo viên và học sinh. Do đó, việc sử dụng bài tập có nhiều cách giải vào dạy học Hóa học tương đối dễ dàng. Có thể coi đây là một trong những phương pháp dạy học tích cực, thay thế phương pháp giải bài tập hiện có một cách đơn điệu, nhàm chán, có thể vận dụng ở tất cả các lớp học trong bậc học trung học phổ thông ở nước ta.
3. Hiệu quả
Thực trạng hiện nay, việc xây dựng và sử dụng bài tập Hóa học có nhiều cách giải trong quá trình giảng dạy của giáo viên chưa thương xuyên và chưa trở thành một trong những phương pháp dạy học tích cực. Đề tài này góp phần là một trong những phương pháp hiệu quả giúp phát triển tư duy học sinh, tích cực thay đổi phương pháp dạy học của giáo viên đáp ứng yêu cầu của sự đổi mới giáo dục.
[TEDx - Vietsub] Tại sao bạn không thể thay đổi bản thân
Danh ngôn
Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu