Một số phương pháp giúp học sinh lớp 5 rèn kĩ năng giải toán có nội dung hình học
Cập nhật: 09/05/2013 - đọc: 28924 lần
Tác giả: Trà Quý Thạnh - Đơn vị công tác: Trường Tiểu học Ân Hảo Đông - Hoài Ân.
TÓM TẮT NỘI DUNG GIẢI PHÁP LAO ĐỘNG SÁNG TẠO.
Tên đề tài: Một số phương pháp giúp học sinh lớp 5 rèn kĩ năng giải toán có nội dung hình học.
Tác giả: Trà Quý Thạnh - Đơn vị công tác: Trường Tiểu học Ân Hảo Đông - Hoài Ân.
I. Mục đích của đề tài:
- Giúp học sinh lớp 5 có kĩ năng nhận dạng, kĩ năng trình bày bài giải và hiểu biết chắc chắn từng bước giải trong mỗi dạng toán các bài toán có nội dung hình học đã học, có kĩ năng vận dụng vào đời sống thực tiễn.
- Giúp GV tiểu học ở trường TH Ân Hảo Đông nắm được những sai sót, nhầm lẫn của học sinh khi giải toán có nội dung hình học. Từ đó có những biện pháp khắc phục phù hợp, tạo niềm tin, hứng thú cho học sinh khi giải toán.
II. Bản chất của giải pháp:
1.Thực trạng:
Một số học sinh ở trường Tiểu học Ân Hảo Đông còn hạn chế trong việc nhận dạng và trình bày bài giải khi thực hành giải toán có nội dung hình học, vận dụng còn nhầm lẫn công thức tính chu vi, diện tích các hình đã học, thường sai đơn vị đo.
2. Tính mới của giải pháp:
- Xác định rõ các mối liên hệ giữa các yếu tố và công thức hình học đã học để giúp HS nhớ và vận dụng đúng công thức; rèn HS có một số kĩ năng cần thiết để học toán hình học ở các cấp trên.
- Giúp HS có kĩ năng phát hiện ra những lỗi thường sai, nhầm lẫn trong nhận thức, hoặc trong trình bày các bài giải toán có nội dung hình học và nêu được các hướng khắc phục phù hợp.
- Giúp HS có kĩ năng nhận dạng, phân tích, xác định hướng giải đúng, chính xác các bài toán vận dụng liên quan thực tiễn.
III. Nội dung giải pháp:
1. Giải pháp mới:
1.1. Phương pháp giúp HS nhớ và vận dụng đúng các công thức tính chu vi; tính diện tích; tính thể tích các hình đã học một cách có khoa học.

+ Đối với các công thức tính diện tích: HS chỉ cần nhớ công thức của bốn hình: Tính diện tích hình chữ nhật, diện tích hình thoi, diện tích hình thang và diện tích hình tròn.(Hình vuông, hình bình hành, hình tam giác suy ra từ công thức hình chữ nhật).
+ Đối với các công thức tính hình hộp: Giúp HS chỉ cần nhớ công thức tính diện tích xung quanh, diện tích toàn phần, thể tích của hình hộp chữ nhật rồi suy ra đối với hình lập phương.
1.2. Phương pháp giúp HS hạn chế lỗi sai về đơn vị đo.
- Các số đo phải đưa về cùng đơn vị đo trước khi thay vào các công thức để tính.
- Kẻ bảng sau ra giấy nháp, ghi tên đơn vị các số đo đã biết vào bảng, từ đó dễ dàng thấy được tên đơn vị kèm theo sau kết quả tính phải tương ứng là đơn vị nào. Chẳng hạn :

1.3. Phương pháp vẽ hình minh họa nội dung bài toán.
Bước 1: Đọc nhanh đề bài đã cho và vẽ phác ngay hình ra giấy nháp để định dạng ban đầu về hình vẽ. Bước này ta không nên dùng dụng cụ vẽ mà cố gắng vẽ trực tiếp bằng tay.
Bước 2: Điền các số đo (dữ kiện đã cho) vào hình vẽ phác và quan sát toàn bộ hình, xem xét quan hệ về vị trí các đỉnh; về quan hệ độ dài tương ứng giữa các cạnh,… đã hợp lí hay chưa. Nếu chưa thì phải vẽ phác lại hình khác sang bên cạnh; điều chỉnh vị trí đỉnh, độ dài, quan hệ song song hoặc vuông góc... Đọc lại đề và kiểm tra từng dữ kiện đã điền ở hình vẽ xem đã phù hợp với đề bài hay chưa.
Bước 3: Dùng dụng cụ vẽ vẽ hình chính thức vào bài làm theo hình vẽ phác ở bước 2 (hình sau khi đã điều chỉnh). Ta chú ý điền đầy đủ các dữ kiện đã cho. Dựa vào hình vẽ để suy nghĩ tìm hướng giải.
1.4. Phương pháp giải các bài toán dạng vận dụng.
Cách 1: Đối với bài toán có thể đưa về cách sử dụng các công thức tính trực tiếp:
- Tách bài toán đã cho thành các bài toán đơn liên quan đến các hình đã học hoặc vẽ thêm đường kẻ phụ vào hình đã cho và sử dụng công thức của hình học đó để tính.
- Từ các kết quả của các bài toán đơn vừa tìm được, ta dựa vào câu hỏi của bài toán đã cho để tìm kết quả theo yêu cầu.
Cách 2: Đối với các bài toán mà không thể vận dụng công thức của hình nào đã học để tính thì ta sử dụng công thức tính gián tiếp.
1.5. Phương pháp luyện tập một số dạng bài tập hình học để có kĩ năng (có rất nhiều dạng).
1.5.1. Tìm chỗ sai trong cách giải các bài toán sau và sửa lại cho đúng.
Bước 1: GV nêu nội dung bài toán lên bảng (đã ghi sẵn trong bảng nhóm).
Bước 2: GV đính lên bảng bài giải (đã ghi sẵn trong bảng nhóm) có chỗ sai lầm nhưng GV không báo cho HS biết có sai lầm - trường hợp cần thiết GV mới báo trước cho HS biết - và yêu cầu HS đọc đề bài toán và xem xét bài giải (có chỗ sai lầm).
Bước 3: GV hướng dẫn HS phân tích, rút ra kết luận và hướng giải đúng của bài toán (GV đính lên bảng bài giải đúng) để HS đối chiếu rút ra bài học kinh nghiệm trong việc phân tích đề toán để giải đúng hướng.
1.5.2.Vẽ hình và tóm tắt các bài toán sau rồi giải.
1.5.3.Trình bày bài giải các bài toán sau.
2. Khả năng áp dụng.
- Vận dụng cho tất cả các đối tượng HS lớp 5 để rèn luyện kĩ năng nhận dạng bài toán, kĩ năng vận dụng công thức, kĩ năng trình bày bài giải,…
- GV tiểu học sử dụng một số nội dung phương pháp trong đề tài này để bồi dưỡng HSG đem có hiệu quả cao.
- Đề tài này có thể áp dụng để dạy cho HS các khối lớp 3,4 đối với các bài toán có nội dung hình học. Tùy thuộc vào mức độ kiến thức của chương trình mà GV vận dụng linh hoạt, hợp lí.
3. Hiệu quả.
- GV không tốn nhiều thời gian chuẩn bị trong giờ dạy trên lớp; không tốn nhiều kinh phí mua sắm đồ dùng dạy học nhưng đem lại hiệu quả chất lượng giáo dục cao.
- Đã khắc phục được những hạn chế của HS khi giải toán có nội dung hình học.
- Học sinh nắm chắc được những bước phân tích đề bài, xác định các yếu tố hình học đã cho, các yếu tố hình học cần tìm, vận dụng các dạng toán điển hình nào có liên quan để tìm, các công thức tính của hình học nào để giải bài toán theo yêu cầu đã nêu.
- Giúp học sinh phát triển tư duy theo hướng tích cực.
Sau khi áp dụng đề tài này, chất lượng môn toán mà lớp tôi chủ nhiệm đạt được qua các năm học như sau :

Xem chi tiết toàn văn SKKN